GÓI ÔN LUYỆN TRẮC NGHIỆM THI TỐT NGHIỆP THPT FORM NĂM 2025 - MÔN LỊCH SỬ (Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018)

GÓI ÔN LUYỆN TRẮC NGHIỆM THI TỐT NGHIỆP THPT FORM NĂM 2025 - MÔN LỊCH SỬ (Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018).zip ic_zip

ĐỊNH HƯỚNG ÔN LUYỆN VÀ LÀM BÀI THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN LỊCH SỬ

1. Tìm hiểu một số điểm mới về kì thi tốt nghiệp THPT (từ năm 2025)

Từ năm học 2024 – 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT theo phương thức mới: đánh giá năng lực và phẩm chất người học dựa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình 2022 đối với môn Lịch sử). Bên cạnh đó, nhiều viện, học viện, đại học và trường đại học cũng sẽ tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực (theo phương thức riêng) để xét tuyển.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều viện, học viện, đại học, trường đại học và cao đẳng trên cả nước đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT, hoặc tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển đã tác động lớn đến cách dạy, cách học và ôn – luyện thi của thầy cô giáo cũng như học sinh.

So với các kì thi, đánh giá trước đây, kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và thi đánh giá năng lực ở các viện, học viện, đại học và trường đại học có nhiều điểm mới, chúng ta cần hiểu rõ để vận dụng.

Điểm mới thứ nhất, mục đích chính của kì thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá, xét tốt nghiệp cho học sinh năm cuối cấp – lớp 12 THPT, nhưng kết quả “học thật”, “thi thật” của thí sinh trong kì thi này cũng là cơ sở tin cậy để các viện, học viện, đại học, trường đại học và cao đẳng trên cả nước xét tuyển (khoảng 60 % thí sinh đỗ tốt nghiệp sẽ được xét và trúng tuyển).

Điểm mới thứ hai, sự thay đổi về số môn thi, số lượng câu hỏi và thời gian làm bài thi. Trên cơ sở các môn học bắt buộc đã theo học từ lớp 10 (Ngữ Văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ) và 4 môn học lựa chọn theo tổ hợp/nhóm/khối thi (Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học,...), mỗi học sinh phải đăng kí 4 môn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài môn Ngữ văn tất cả các thí sinh thi tự luận chung đề (120 phút), môn Toán thi trắc nghiệm (90 phút), các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm (50 phút/môn). Học sinh không được lựa chọn môn học khác để thi tốt nghiệp THPT – nếu môn học đó không phải là môn học bắt buộc, hoặc không nằm trong tổ hợp được học từ lớp 10.

Đối với những thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đã trượt tốt nghiệp năm 2024, hoặc đã học xong chương trình lớp 12 nhưng chưa đăng kí dự thi tốt nghiệp nếu muốn tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thì vẫn thi 6 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ) và 3 môn theo tổ hợp (Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân hoặc Vật lí, Hoá học và Sinh học).

Điểm mới thứ ba, các môn thi có sự thay đổi về cấu trúc, định dạng câu hỏi và cách tính điểm. Đối với môn Lịch sử, đề thi được chia làm hai phần: Phần I – Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn (mỗi câu hỏi thí sinh chỉ chọn một phương án A, B, C hoặc D);

Phần II – Câu trắc nghiệm đúng sai (trong mỗi ý a, b, c, d ở mỗi câu, thí sinh phải chọn đúng hoặc sai).

Trên cơ sở đổi mới cách thức ra đề, cấu trúc và định dạng đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng điều chỉnh cách tính điểm với mỗi định dạng câu hỏi. Tổng điểm của mỗi bài thi là 10,0 điểm, trong đó:

– Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, mỗi câu trả lời đúng (A, B, C, D) được 0,25 điểm.

– Câu trắc nghiệm đúng sai, mỗi ý trả lời đúng (a, b, c, d) trong mỗi câu lại có cách tính điểm khác nhau. Điểm tối đa của 01 câu hỏi là 1 điểm, trong đó:

+ Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 01 ý trong 1 câu hỏi được 0,1 điểm.

+ Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 02 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm.

+ Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 03 ý trong 1 câu hỏi được 0,50 điểm.

+ Thí sinh lựa chọn chính xác cả 04 ý trong 1 câu hỏi được 1,0 điểm.

2. Định hướng chương trình, cấu trúc đề thi và nội dung ôn luyện thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử

Chương trình môn Lịch sử 2022 (ban hành kèm theo Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 3-8-2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định học sinh học kiến thức môn Lịch sử cấp THPT có hai phần: học theo chủ đề (bắt buộc) và học theo chuyên đề (lựa chọn). Trên cơ sở đó, chương trình ôn luyện thi tốt nghiệp THPT của học sinh sẽ nằm trong phần kiến thức của các chủ đề, tập trung chủ yếu ở lớp 12.

Về cấu trúc đề thi, căn cứ vào định hướng của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đề thi môn Lịch sử sẽ có hai phần: Phần I gồm 24 câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn (A, B, C hoặc D) và phần II có 4 câu hỏi trắc nghiệm đúng sai (mỗi câu có 4 ý a, b, c, d).

Về tỉ lệ câu hỏi theo chương trình và nội dung kiến thức cần ôn luyện, học sinh cần tập trung nhiều hơn vào những chủ đề ở lớp 12 (từ 34 đến 35 câu, chiếm khoảng 85 %) và một phần của lớp 11 (từ 5 đến 6 câu, chiếm khoảng 15 %). Để ôn luyện hiệu quả, các em phải có kế hoạch từ sớm và cần xác định được những mạch kiến thức cơ bản sau đây:

 

Chương trình/lớp

Mạch kiến thức

Lưu ý

Lớp 11 (5-6 câu)

– Lịch sử thế giới

+ Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản từ nửa sau thế kỉ XIX đến nay (nội dung liên quan đến phong trào giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á).

+ Chủ nghĩa xã hội từ năm 1917 đến nay.

+ Quá trình giành độc lập dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á.

Chú ý sự kiện có tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam

–  Lịch sử Việt Nam

+ Chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc

+ Chiến tranh giải phóng dân tộc trong Lịch sử Việt Nam

Chú ý đặt lịch sử Việt Nam trong bối cảnh thế giới chung

Lớp 12 (34-35 câu)

– Lịch sử thế giới

+ Thế giới trong và sau Chiến tranh lạnh.

+ Tác động của thế giới đến Việt Nam (1945 – nay).

+ ASEAN: những chặng đường lịch sử.

Chú ý sự kiện có tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam như Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh lạnh,…

–  Lịch sử Việt Nam

+ Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ Cách mạng tháng tháng Tám năm 1945 đến nay).

+ Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

+ Lịch sử đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay.

+ Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam.

 

3. Một số định hướng về phương pháp ôn luyện và làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử từ năm 2025

3.1. Phương pháp ôn luyện

Vấn đề ôn luyện thi tốt nghiệp THPT nói chung, thi đánh giá năng lực của các đại học và trường đại học (theo Chương trình năm 2022 môn Lịch sử) nói riêng là một quá trình tích luỹ kiến thức và rèn luyện lâu dài. Học sinh cần lưu ý các giai đoạn ôn luyện sau đây:

Giai đoạn

Định hướng cách thức ôn luyện

Các kĩ thuật ôn luyện hiệu quả

Chuẩn bị kiến thức theo định hướng của chương trình (trong quá trình học trên lớp)

–  Giáo viên bộ môn trực tiếp định hướng cho học sinh các phương pháp học tập để chủ động lĩnh hội, làm chủ kiến thức.

Sử dụng sách giáo khoa làm cơ sở, nền tảng; đồng thời tìm hiểu sách tham khảo để nâng cao kiến thức trong chủ đề (sách tham khảo của tác giả có uy tín).

Phân biệt các thuật ngữ, khái niệm cốt lõi liên quan đến sự kiện lịch sử. Ví dụ, khi học chuyên đề về Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam, học sinh phải phân biệt được một số thuật ngữ như “nhiệm vụ chiến lược” và “nhiệm vụ sách lược”, “tư sản dân quyền cách mạng” và “thổ địa cách mạng”,…

Ghi chép bài vở đầy đủ, khoa học theo cách hiểu/ trình bày của mình.

Sử dụng kĩ thuật sơ đồ tư duy, băng thời gian, bảng tổng hợp sự kiện, sử dụng từ khóa,…

Vận dụng một số “công thức” thường “lặp lại” trong khi ghi chép kiến thức lịch sử. Ví dụ, về nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo từ năm 1930 (Cách mạng tháng Tám năm 1945; kháng chiến chống Pháp; kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) đều có yếu tố chủ quan – sức mạnh dân tộc đóng vai trò quyết định (truyền thống dân tộc, Đảng lãnh đạo, đoàn kết dân tộc,…) và yếu tố khách quan – sức mạnh thời đại,…

Tự củng cố kiến thức và thực hành các dạng câu hỏi, bài tập (ở nhà) khi không có giáo viên kiểm soát trực tiếp

Tự xem lại trong vở ghi và sách giáo khoa để củng cố và ghi nhớ các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử cơ bản.

Tự bổ sung, chỉnh lý bài học đã ghi chép trên lớp và hệ thống lại kiến thức theo từng nội dung, vấn đề. Ví dụ, khi củng cố kiến thức về các cuộc kháng chiến thành công trong lịch sử dân tộc, học sinh cần hệ thống được tên các cuộc kháng chiến, thời gian, tổ chức lãnh đạo, đặc điểm nổi bật, nguyên nhân dẫn đến sự thành công và những bài học kinh nghiệm.

Phân tích, so sánh, giải thích các vấn đề mà giáo viên và sách giáo khoa đã đặt ra; tìm ra những điểm mới/ khác biệt/ giống nhau,… của các sự kiện lịch sử.

Thực hành, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các dạng câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa và sách tham khảo.

Kĩ thuật 5W-2H: When, Where, Who, What, Why (ghi nhớ thời gian, không gian/địa bàn, nhân vật/tổ chức, nội dung chính của sự kiện và lí giải/giải thích được mối quan hệ của sự kiện lịch sử đã xảy ra); các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi và giải quyết từng dạng câu hỏi như thế nào.

Xác định mối liên hệ giữa các yếu tố tạo nên sự kiện lịch sử (thời gian, không gian, nhân vật,…), tác động của lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam trong một giai đoạn,…

Vận dụng đúng nguyên tắc 3Đ: kiến thức phải đúng, nội dung kiến thức phải được hệ thống đầy đủ theo các ý, đảm bảo việc hiểu rõ các dạng thức câu hỏi thường gặp của đề thi minh họa.

Ôn luyện các đề thit ham khảo, tự điều chỉnh và rút kinh nghiệm

Giáo viên bộ môn xây dụng đề thi tham khảo, tổ chức cho học sinh ôn luyện, sau đó chữa, kết hợp phân tích cấu trúc đề thi.

Tham khảo sách ôn luyện thi tốt nghiệp THPT của tác giả có uy tín để làm đề.

Tìm hiểu “bí quyết” chinh phục điểm cao thông qua các dạng câu hỏi thường gặp.

Tìm hiểu cấu trúc, định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT (các phần thi, định dạng câu hỏi và tỉ lệ, mức độ phân hóa thí sinh,…).

Bấm thời gian làm bài (50 phút) khi làm đề thit ham khảo.

Đối chiếu đáp án sau khi làm đề thi tham khảo và rút kinh nghiệm

 

3.2. Kĩ năng đọc hiểu và giải quyết các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi tốt nghiệp THPT

3.2.1. Kĩ năng đọc hiểu các định dạng câu hỏi trong đề thi

Do sự thay đổi về hình thức thi, số lượng môn thi, các dạng thức câu hỏi trong mỗi môn thi trắc nghiệm, nên trong quá trình học tập, học sinh phải chú trọng nhiều vào các kĩ năng đọc hiểu và giải quyết các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi. Đó là:

– Đọc hiểu vấn đề và xác định đúng “từ khoá” theo yêu cầu của câu hỏi, sau đó vận dụng các thao tác tư duy để tái hiện kiến thức, kết nối cơ sở dữ liệu, loại trừ dần các phương án nhiễu và lựa chọn phương án trả lời chính xác, duy nhất (thí sinh thường mắc lỗi này nhiều nhất).

– Đọc hiểu thông tin để lựa chọn đúng hoặc sai. Phần II của đề thi có dạng câu hỏi lựa chọn đúng sai), liên quan đến đọc hiểu một đoạn thông tin, đoạn trích, bảng số liệu,... Thí sinh sẽ phải đọc hiểu cả đoạn văn bản, kết hợp với kiến thức đã học trong chủ đề để đối chiếu, xác định cơ sở dữ liệu trong mỗi ý là đúng hoặc sai, rồi lựa chọn phương án chính xác.

– So sánh, tổng hợp, khái quát và kết nối các sự kiện, hiện tượng lịch sử giữa các bài, giai đoạn lịch sử có liên quan (ví dụ nghệ thuật quân sự, đấu tranh ngoại giao,...).

– Tư duy, suy luận, kết nối các dữ kiện lịch sử (từ bảng số liệu, các dữ kiện lịch sử cho sẵn, thí sinh phải biết suy luận, kết nối với lịch sử để đưa ra đáp án chính xác).

– Vận dụng, liên hệ kiến thức đã học với thực tiễn (ví như tác động của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại đối với Việt Nam; vấn đề chủ quyền biển, đảo; các bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc kháng chiến, xây dựng chính quyền, công cuộc Đổi mới đất nước,...).

– Luyện các dạng câu hỏi thường gặp trong bộ đề trắc nghiệm (theo định hướng đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

3.2.2. Luyện các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi tốt nghiệp THPT

a) Dạng câu hỏi trong phần “Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn”

– Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng. Trong 4 phương án A, B, C, D chỉ có một phương án đúng, các phương án còn lại là gây nhiễu và đều sai.

Ví dụ: Năm 1950, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc gia nào sau đây?

A. Anh.                                                                B. Cu-ba.

C. Liên Xô.                                                          D. Nhật Bản.

Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh đọc hiểu một đoạn tư liệu. Dạng câu hỏi này để phân hoá thí sinh. Câu hỏi đưa ra đoạn tư liệu liên quan trực tiếp đến sự kiện, hiện tượng lịch sử quan trọng (có trong sách giáo khoa hoặc ngoài sách giáo khoa). Đoạn tư liệu là căn cứ định hướng cho các em tư duy, suy luận để đưa ra quyết định lựa chọn.

Ví dụ: Đọc đoạn trích: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” (Trích: Tuyên ngôn Độc lập).

Đoạn tư liệu trích Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trên đã khẳng định

A. chủ quyền của Việt Nam trên cả hai phương diện pháp lí và thực tiễn.

B. nhân dân Mỹ, Pháp phải ghi nhận những quyền dân tộc của Việt Nam.

C. chủ quyền của Việt Nam đã được ghi nhận bằng hiến pháp và thực tiễn.

D. các quốc gia trên thế giới đã công nhận quyền dân tộc của Việt Nam.

Dạng câu hỏi yêu cầu thi sinh lựa chọn ý phủ định trong 4 phương án (A, B, C, D) đã cho. Câu hỏi được kiểm tra, đánh giá ở các mức độ khác nhau, yêu cầu các em không hiểu sai về các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Các cụm từ thường được sử dụng trong dạng câu hỏi này là không đúng, không phải, không chính xác, phản ánh không đúng,...

Ví dụ: Nội dung nào sau đây phản ánh không đúng vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925 – 1929)?

A. Góp phần giải quyết đường lối cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX.

B. Góp phần vào sự thắng lợi của khuynh hướng cách mạng vô sản.

C. Góp phần tích cực xác lập con đường cứu nước mới ở Việt Nam.

D. Chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về con đường cứu nước ở Việt Nam.

Dạng câu hỏi yêu cầu thi sinh lựa chọn đúng phương án nhận xét, lí giải về sự kiện, hiện tượng lịch sử (các quan điểm, chính kiến, hoặc ý kiến nhận xét, đánh giá về lịch sử). Ở dạng câu hỏi này, đề thi sẽ đưa ra sẵn các quan điểm, chính kiến hoặc ý kiến nhận xét về sự kiện, hiện tượng lịch sử phức tạp, yêu cầu thí sinh lựa chọn phương án đúng.

Ví dụ: Ngày 9-3-1945, quân phiệt Nhật Bản tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Pháp trên toàn Đông Dương vì lí do nào sau đây?

A. Lo ngại khả năng quân Pháp tấn công để độc chiếm thuộc địa Đông Dương.

B. Lo ngại quân Đồng minh vào Đông Dương để chia sẻ hệ thống thuộc địa.

C. Muốn độc chiếm Đông Dương trước khi Liên Xô vào tuyên chiến với Nhật.

D. Đối phó với việc Liên Xô viện trợ vũ khí và kinh tế cho nhân dân Đông Dương.

b) Dạng câu hỏi chùm trong phần “Câu trắc nghiệm đúng sai”

Thầy cô hướng dẫn ôn luyện thi và các em học sinh cần lưu ý: Đây là dạng câu hỏi mới, lần đầu xuất hiện trong kì thi tốt nghiệp THPT (từ năm 2025). Để không bị động và hạn chế việc bị “trừ điểm” đối với cách tính điểm của dạng câu hỏi này, các em cần ghi nhớ cách tính điểm đối với số ý trả lời đúng (a, b, c, d). Các em cùng nghiên cứu một số dạng câu hỏi chùm sau đây:

Các ý trong câu hỏi chùm (a, b, c, d) được lấy từ đoạn dữ liệu (đoạn trích) liên quan đến chương trình thi tốt nghiệp THPT. Để bảo đảm tính khách quan, công bằng giữa các bộ sách giáo khoa, các đoạn trích không được trích dẫn từ các bộ sách giáo khoa hiện hành, đồng thời phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản và trang trích dẫn).

Ví dụ: Đọc đoạn tư liệu sau đây:

“Tôi [Hồ Chí Minh] tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui…”.

(Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời báo chí nước ngoài, bài đăng trên báo Cứu quốc, số 147, ngày 21-1-1946)

Trong mỗi ý a, b, c, d, thí sinh trả lời đúng (Đ) hoặc sai (S).

a) Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời báo chí về quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc.

b) Phát biểu khẳng định nguyên tắc của một nhà lãnh đạo là phải trung thành với nhân dân.

c) Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sẽ cống hiến trọn đời mình cho nhân dân và Tổ quốc.

d) Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục lịch sử cho chiến sĩ, động viên quân đội trước giờ ra trận.

Các ý trong câu hỏi chùm (a, b, c, d) được lấy từ đoạn dữ liệu do hội đồng ra đề biên soạn (bảng số liệu, niên biểu, đoạn viết, hình ảnh,...) liên quan đến chương trình thi tốt nghiệp THPT. Các dữ liệu được đưa ra phải bảo đảm tính khách quan, khoa học, có trích nguồn để làm căn cứ cho việc đưa ra các ý để thí sinh chọn đúng hoặc sai.

Ví dụ: Cho bảng niên biểu một số sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1945-1954):

Thời gian

Nội dung sự kiện

28-2-1946

Pháp kí với Trung Hoa Dân quốc Hiệp ước Hoa – Pháp, được đưa quân ra miền Bắc Việt Nam làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật Bản.

3-3-1946

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng họp bàn, chọn giải pháp “hoà để tiến”.

6-3-1946

Thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp.

14-9-1946

Trong chuyến thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí với Pháp bản Tạm ước Việt – Pháp.

19-12-1946

Ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương phát động và hoạch định đường lối kháng chiến toàn quốc chống Pháp.

 

Trong mỗi ý a, b, c, d, thí sinh trả lời đúng (Đ) hoặc sai (S).

a) Từ đầu tháng 3 đến trước ngày 19-12-1946, những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp cho cách mạng Việt Nam tránh được việc đối đầu cùng lúc với nhiều kẻ thù.

b) Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết quan hệ Việt – Pháp (từ tháng 3 đến tháng 12-1946) đã tránh được cuộc chiến tranh với thực dân Pháp sau này.

c) Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) đã chấm dứt giai đoạn “hoà hoãn tạm thời” giữa Việt Nam với thực dân Pháp.

d) Đường lối kháng chiến toàn quốc do Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra (1946) được phản ánh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4. Một số lưu ý khi thực hành và làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử

– Trắc nghiệm khách quan là cách thức kiểm tra, đánh giá bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan (không phụ thuộc vào người chấm, kể cả chấm thủ công), nên các em hãy yên tâm về bài làm của mình. Các em cần giữ gìn cẩn thận phiếu trắc nghiệm (không tẩy xoá, tô quá một phương án, làm gấp nếp phiếu trả lời,... vì máy sẽ bỏ qua không chấm).

– Bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử gồm 40 câu, chia làm hai phần (24 câu dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn và 4 câu chùm dạng đúng sai (mỗi câu có 4 ý để lựa chọn đúng hoặc sai). Câu hỏi trong đề thi được chia làm 4 mức độ, từ dễ đến khó, dải đều theo phân phối chương trình và ma trận đề: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

– Kiến thức thi trắc nghiệm được bao trùm toàn bộ chương trình, không bỏ sót bất cứ nội dung nào, tuyệt đối không được học “tử”.

– Thời gian làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử chỉ có 50 phút (không kể thời gian phát đề), các em đừng để mất quá nhiều thời gian vào suy nghĩ một vài câu hỏi khó. Tốt nhất, hãy đọc và làm các câu hỏi theo phương pháp loại trừ, đi từ mức độ nhận biết đến mức độ thông hiểu trước (từ trên xuống). Câu hỏi nào chưa chắc chắn thì đánh dấu để đó, vì trong nhiều trường hợp khi đọc các câu hỏi tiếp theo sẽ thấy được “chìa khoá” gợi ý để quay trở lại lựa chọn đúng câu trả lời. Nếu gặp câu hỏi quá khó, các em hãy cố gắng tái hiện lại những kiến thức đã được thầy cô dạy hoặc được đọc qua tài liệu tham khảo, kết nối các thông tin để đưa ra phán đoán trước khi lựa chọn. Các em nhớ đừng “bỏ qua” bất cứ câu hỏi nào.

Hỗ trợ 24/7